global block language

Lịch sử trường THPT Chê Ghê-va-ra

Lịch sử trường THPT Chê Ghê-va-ra

     Trường THPT Chê Ghê-va-ra ra đời trong chế độ cũ ở miền Nam, tiếp tục phát triển trong chế độ mới; ngày càng khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục của tỉnh Bến Tre; ngày càng khẳng định quan điểm: “muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi”.
     Theo thời gian, trường được mở rộng về qui mô trường lớp và cũng chính vì vậy trường được đổi tên và mang nhiều tên gọi khác nhau; đặc điểm về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ngày càng có nhiều thay đổi góp phần đưa sự nghiệp trồng người trên quê hương Đồng khởi đạt được nhiều thành tựu lớn.
1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỦA TRƯỜNG 1961 – 1967.
     Trường được thành lập vào năm học 1961 – 1962, mang tên là trường Trung học Mỏ Cày, do hoàn cảnh chiến tranh, quy mô trường lớp nhỏ bé. Năm học đầu tiên trường chỉ có 3 lớp đệ thất (tức là lớp 6 ngày nay) với 162 học sinh. Trường được xây dựng gần cầu tàu (trường Tiểu học 2 Thị trấn Mỏ Cày ngày nay), trường chưa được xây dựng kiên cố chỉ lợp lá và còn nền đất.
     Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược, Mỏ Cày – Bến Tre là một trong địa bàn nóng bỏng ác liệt nhất, tiếng gầm rá của bom đạn vẫn không át tiếng giảng bài, thầy trò vẫn gan dạ, chăm chỉ gắn bó mà bám trường, bám lớp. Nhưng lúc đó, cũng có nhiều học sinh “xếp bút nghiêng” lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong bối cảnh ấy nhà trường vẫn vững vàng tồn tại và phát triển.
     Học sinh cố gắng học tập và tôn trọng kỉ luật nhà trường, nên hàng năm theo đà tiến triển bình thường từ niên học 1961 – 1962 đến 1964 – 1965 từ 3 lớp đệ thất ban đầu, tiếp tục phát triển lên thành các lớp đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ (tức là lớp 7, 8, 9 ngày nay) với sĩ số 545 em (363 nam và 182 nữ). Trường vị thành, giáo sư vừa đủ để đảm trách các môn học chánh. Trường đã được hợp thức hóa do nghị quyết số 244/GD/PC ngày 24/12/1964 của Bộ Văn hóa Giáo dục.
     Về phòng học trường tạm mượn của trường tiểu học 4 phòng. Bộ Văn hóa Giáo dục cho xây cất xong 6 phòng học. Truyền thống kiên cường và hiếu học của con người Mỏ Cày đã được khẳng định: Tỉ lệ đỗ trung học đệ nhất cấp của trường năm đầu tiên cao nhất Tỉnh. Trong đó có một học sinh đỗ hạng ưu là Quãng Trọng Huệ. Kết quả này như tiếp thêm sinh lực mới cho nhà trường, được sự yêu cầu của nhiều phụ huynh, Bộ Quốc Giao giáo dục quyết định cho trường mở tiếp hệ đệ nhị cấp (tức lớp 10 ngày nay).
2. CHẶNG ĐƯỜNG 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG 1967 – 2017.
     Năm học 1966 – 1967, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, chính quyền Sài Gòn tăng cường tổ chức các cuộc càn quét, bình định và bắt lính, đây cũng là lúc 2 lớp đệ Tam ra đời Tam A (10A): Ban Vật lý – Hóa học – Vạn vật, Tam B (10B): Toán học – Vật lý – Hóa học.
     Sang năm 1968 – 1969 trường có 2 lớp đệ nhất (tức 12 ngày nay), nhưng phải chuyển sang học tại trường Trung học Kiến Hòa (trường THPT Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) do Bộ Quốc Gia giáo dục không bổ nhiệm được giáo sư giảng dạy và thiếu cơ sở vật chất. Đến năm học 1974 – 1975 trường đã có lớp đệ nhất học tại chỗ. Sinh ra trong khói lửa chiến tranh với sự nổ lực không ngừng vươn lên trưởng thành cùng với thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trường Trung học Mỏ Cày đã định hình những nét truyền thống và đặt nền tảng cho sự phát triển của giai đoạn tiếp theo.
     Sau khi đất nước được giải phóng, trường Trung học Mỏ Cày bước vào năm học đầu tiên của thời kì mới trong không khí hòa bình thống nhất, độc lập và tự do. Trong vô vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại cùng với những thiếu thốn của thời kì bao cấp, sự nghiệp giáo dục vẫn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tập thể giáo viên và học sinh khắc phục khó khăn giữ vững nề nếp, đảm bảo chất lượng giáo dục. Lúc này cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nhà trường lại gánh vác nhiệm vụ giáo dục cả 2 cấp học – cấp 2 và cấp 3 với tên gọi là trường Trung học cấp II – III Mỏ Cày. Trường tọa lạc tại cơ sở mới ở trường Minh Đức của người Hoa (gần đồn Công an Thị trấn ngày nay).
Đến năm 1977, qui mô trường lớp được mở rộng nên hệ cấp 2 tách khỏi trường và trường mang tên là trường Phổ Thông Trung học Mỏ Cày  và trường được chuyển về cơ sở trước đây (ở gần cầu tàu – trường Tiểu học 2 Thị trấn Mỏ Cày hiện nay).
     Ngày 08 tháng 10 năm 1987, để biểu hiện tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc Cuba – Việt Nam, trường được đổi tên và vinh dự được mang tên người anh hùng 2 dân tộc Achentina – Cuba là trường Phổ Thông Trung học Chê Ghê-va-ra. Sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất lại tên gọi các trường trên địa bàn tỉnh và trường mang tên là trường THPT Chê Ghê-va-ra. Chính vì vậy, ngày 8 tháng 10  năm 1987 còn được xem là ngày truyền thống của trường – là ngày kỉ niệm trường mang tên là trường Phổ Thông Trung học Chê Ghê-va-ra.
     Đến năm 1996 trường được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng diện tích khuôn viên là 8.050m2, tọa lạc tại Khu phố 4 - thị trấn Mỏ Cày - huyện Mỏ Cày Nam - tỉnh Bến Tre cho đến ngày nay.
 
1
 
3
 
20240120 161853
Một góc Trường THPT Chê Ghê-va-ra hiện nay
 
“Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; Nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi.”  HỒ CHÍ MINH

XUÂN GIÁP THÌN 2024 BẠN SẼ LÀM GÌ?

Thống kê
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay2,560
  • Tháng hiện tại32,090
  • Tổng lượt truy cập3,228,685
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây